Mở tiệm bánh mì đã gian nan, quản lý để tiệm đi vào hoạt động ổn định lại càng khó gấp bội. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng bạn còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như quản lý nguyên liệu, kiểm soát tài chính, sắp xếp nhân sự,…
Hiểu rõ những nỗi lo của các chủ tiệm kinh doanh bánh mì, trong bài viết hôm nay FOENIX sẽ chia sẻ những bí quyết quản lý tiệm bánh mì hiệu quả gồm cách quản lý kho hàng, quản lý nhân viên, quản lý tài chính và chăm sóc khách hàng. Cùng tìm hiểu nhé!
Quản lý tiệm bánh mì: Nhân sự
Tuyển dụng và quản lý nhân sự là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của tiệm bánh mì. Tuy nhiên trong quá trình quản lý nhân viên không thể tránh khỏi các phát sinh như tay nghề chưa đều, thiếu tập trung trong công việc hay không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,…
Để giải quyết những vấn đề này, bạn có thể xây dựng một bảng mô tả công việc chi tiết cho từng vị trí gồm quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, định mức công việc, thời gian làm việc cho từng nhân viên để dễ kiểm soát. Mỗi bộ phận đều cần có quy định riêng để hoạt động hiệu quả, đặc biệt mỗi nhân viên dù ở vị trí nào cũng cần hỗ trợ lẫn nhau để công việc được suôn sẻ. Đồng thời phân công công việc cụ thể giúp bạn dễ dàng nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của từng nhân viên, từ đó có sự sắp xếp phù hợp hơn.
Và cũng đừng quên có các chương trình đánh giá nhân viên định kỳ hàng tháng, hàng quý để khen thưởng, tăng lương và xử phạt công minh để thúc đẩy tinh thần và trách nhiệm làm việc của mỗi cá nhân, giúp tiệm bánh mì của bạn ngày càng phát triển nhé.
Quản lý kho hàng
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của tiệm bánh mì diễn ra suôn sẻ, bạn phải theo dõi số lượng nguyên liệu thường xuyên. Bạn có thể sử dụng phần mềm quản lý hoặc ghi chép cẩn thận vào sổ để theo dõi lượng nguyên liệu nhập vào, bán ra và còn lại trong kho. Nên thực hiện kiểm kê kho 1 lần/ tuần vào sáng thứ 2 đầu tuần để đối chiếu số liệu thực tế tại kho với số liệu quản lý trên phần mềm.
Nhờ đó, bạn sẽ dễ dàng nắm được tình hình, biết khi nào nguyên liệu sắp hết để đặt thêm kịp thời, không lo bị thiếu hàng làm gián đoạn việc kinh doanh đặc biệt là vào những dịp lễ Tết hoặc mùa cao điểm.
Quản lý thu chi, lợi nhuận của tiệm bánh mì
Kinh nghiệm quản lý thu chi là một kỹ năng thiết yếu khi vận hành tiệm bánh mì. Khi kiểm soát được dòng tiền vào ra, bạn sẽ đảm bảo các khoản chi không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh. Để làm được điều này, bạn phải thường xuyên đối chiếu các khoản chi phí như nguyên liệu, trả lương cho thợ, điện nước, thuê mặt bằng, phí phát sinh, phí duy trì,… theo ngày, tuần, tháng để xem có đúng với số tiền mình bỏ ra không.
Cuối tháng bạn sẽ tính xem tiệm lời lãi được bao nhiêu, rồi so sánh với những tháng trước để biết tình hình kinh doanh thế nào. Nếu thấy lợi nhuận thu về thấp quá, bạn phải xem lại các khoản chi hoặc nghĩ cách để tăng doanh thu lên.
Quản lý tiệm bánh mì: Chăm sóc khách hàng
Tiếp nhận phản hồi từ khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ của tiệm bánh mì. Thông qua việc lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ, bạn có thể hiểu rõ hơn về mong muốn của họ. Từ đó linh hoạt điều chỉnh phù hợp để cải thiện chất lượng bánh mì và thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận phản hồi, khi có khiếu nại từ phía khách hàng, bạn cần bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu xem nguyên nhân là gì rồi đưa ra cách giải quyết ổn thỏa cho khách. Bởi vì khách hàng hài lòng thì họ mới quay lại ủng hộ mình thường xuyên.
Hy vọng với những chia sẻ trên của FOENIX về vận hành và quản lý tiệm bánh mì sẽ tiếp thêm động lực để bạn theo đuổi đam mê của mình nhé!
Xem đầy đủ trọn bộ khởi nghiệp cùng bánh mì:
- Tập 1: Từ dòng chảy lịch sử đến ý tưởng kinh doanh bánh mì
- Tập 2: Chi tiết nguồn vốn ban đầu và kế hoạch kinh doanh bánh mì bất bại
- Tập 3: Hướng dẫn chọn thiết bị làm bánh mì chất lượng, tiết kiệm & hiệu quả
- Tập 4: Bí quyết chọn nguyên liệu và công thức làm bánh mì ngon
- Tập 5: Chiến lược tiếp thị và quảng cáo tiệm bánh mì hiệu quả
- Tập 6: Kinh nghiệm quản lý và vận hành tiệm bánh mì cho người mới kinh doanh
- Tập 7: Mở rộng quy mô kinh doanh tiệm bánh mì
- Tập 8: 4 sai lầm khi vận hành tiệm bánh mì thường gặp và nên tránh